Ô nhiễm không khí thường gia tăng vào cuối năm
Phát biểu tại tọa đàm,Đừngquênônhiễmkhôngkhílàsátthủvôhìvăn hóa là gì ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nhận định ô nhiễm không khí là "sát thủ vô hình", bởi chưa thấy ngay tác hại và khó nhìn thấy về mặt trực quan. Thông thường, những tháng cuối năm ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác, mức độ ô nhiễm không khí càng gia tăng.
"Đáng lo ngại là nhận thức của phần đông người dân chưa tới, trong đó có lãnh đạo nhiều doanh nghiệp. Đâu đó ở các địa phương vẫn có tinh thần hy sinh môi trường để phát triển kinh tế, không đúng tinh thần của Đảng, Chính phủ. Ngoài ra, khung pháp lý còn chưa đầy đủ, là rào cản cho việc quản lý ô nhiễm không khí", ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, ô nhiễm không khí đã được đề cập đến trong nhiều báo cáo của các địa phương, bộ, ban, ngành cấp tỉnh, quốc gia, tổ chức… Có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí: từ công nghiệp, giao thông, sinh hoạt, nông nghiệp… Qua luật Bảo vệ môi trường 2020, rất cần một tinh thần hành động quyết liệt hơn, nhất là nhận diện rõ các nguồn gây ô nhiễm.
Bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng, bày tỏ so với ô nhiễm đất hay ô nhiễm nước, thì vấn đề không khí khó ứng phó hơn nhiều, dẫn đến công tác quản lý cũng càng khó khăn. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho Bộ TN-MT đang rất ít. Nguồn nhân lực eo hẹp là vấn đề đáng lo ngại vì không có đủ người đảm bảo trình độ thì không thể làm được gì.
Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở TN-MT Hà Nội), cho biết nguồn nhân lực quản lý môi trường của thành phố chỉ có khoảng 50 người, cán bộ làm việc quản lý môi trường tại các huyện, xã lại càng ít hơn nữa. Kinh phí dành cho quản lý môi trường cũng không dồi dào.
Giải pháp nào kiểm soát ô nhiễm không khí?
Ông Lê Hoài Nam, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN-MT), cho biết sau khi luật Bảo vệ môi trường 2020 được ban hành, Bộ TN-MT đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật để các tỉnh, thành trên cả nước căn cứ vào đó xây dựng hệ thống kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm không khí.
Cả nước có 9 địa phương đã xây dựng kế hoạch quản lý kiểm soát chất lượng không khí và 19 địa phương đang xây dựng dự án kiểm soát chất lượng không khí. Bộ TN-MT đã ban hành tiêu chuẩn khí thải trên toàn quốc; ban hành quy chuẩn về quản lý không khí cấp quốc gia, có hiệu lực từ 1.9 tới.
Bộ TN-MT cũng đang thực hiện dự án bổ sung 18 trạm quan trắc ở 16 tỉnh, thành để giám sát chất lượng không khí. Về việc giảm phát thải khí thải, Bộ TN-MT đã tăng cường giám sát các doanh nghiệp về khí thải với 600 trạm quan sát kết nối trực tiếp với Bộ TN-MT.
Trách nhiệm không của riêng ai
Theo ông Nam, vấn đề phối hợp quản lý khí thải liên vùng đã được nêu rất rõ trong luật Bảo vệ môi trường 2020. Luật pháp đã quy định cụ thể các tỉnh cần có những văn bản, quy chế riêng để bảo vệ môi trường, kiểm soát chất thải, khí thải. Tuy nhiên, có những ô nhiễm liên vùng, liên tỉnh thì cần phải được xử lý cấp quốc gia. Đây cũng là nội dung Bộ TN-MT quan tâm và đã trình đề án để Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới đây.
Cũng theo ông Nam, để kiểm soát ô nhiễm không khí, cần đồng bộ từ nhiều ngành, một vài ngành, đơn vị thì không giải quyết được, cả T.Ư và địa phương đều phải thấy rõ trách nhiệm. Về lâu dài, cần chuyển đổi sang các ngành công nghiệp thân thiện môi trường dù đòi hỏi nguồn lực, khoa học công nghệ, nhân lực lớn.
Ông Nam cũng nhấn mạnh, hiện mới có luật Bảo vệ môi trường 2020, Kế hoạch bảo vệ môi trường không khí quốc gia. Nhưng với 2 văn bản này thì chưa đủ, cần có các giải pháp cụ thể hơn nữa. Cần có nguồn nhân lực, kinh phí dồi dào, đảm bảo chất lượng hơn nữa để đẩy lùi ô nhiễm không khí.